MỘT SỐ LƯU Ý KHI SỬ DỤNG BÌNH CHỮA CHÁY

MỘT SỐ LƯU Ý KHI SỬ DỤNG BÌNH CHỮA CHÁY

Một đốm cháy nhỏ có thể gây trận hỏa hoạn lớn nếu bạn không phát hiện và xử lý kịp thời. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách sử dụng bình chữa cháy. Hướng dẫn bạn cách sử dụng bình chữa cháy bằng CO2 thông thường, giúp bạn chủ động dập ngọn lửa nhỏ trước khi nó lan rộng ra.

Bình CO2 là thiết bị chữa cháy bên trong chứa khí CO2 -790c được nén vào bình chịu áp lực cao, dùng để dập cháy, có độ tin cậy cao, thao tác đơn giản thuận tiện. Sử dụng bình chữa cháy luôn có hiệu quả cao khi chữa các đám cháy ở nơi kín gió, trong nhà, hầm, cháy các thiết bị điện…

Nguyên tắc chữa cháy bằng bình CO2 là chữa cháy bằng phương pháp làm lạnh và pha loãng nồng độ oxy. Khí CO2 ở nhiệt độ -79 độ C dưới dạng tuyết lạnh khi qua vòi phun có tác dụng hạ thấp nhiệt độ đám cháy. Khí CO2 bao phủ toàn bộ bề mặt đám cháy làm giảm nồng độ Oxy khuếch tán vào vùng cháy.

Sử dụng bình chữa cháy là kỹ năng mọi người cần biết để bảo vệ an toàn cho gia đình mình

4 thao tác chữa cháy cần nhớ

Khi xảy ra cháy, bạn cần bình tĩnh ấn còi báo động (nếu có) hoặc la to cho mọi người biết tình hình. Tắt ngay các thiết bị điện, van bình ga trong tầm tay.

Xách bình chữa cháy bằng cách dùng tay thuận nắm lấy tay cò bình. Không được tháo chốt an toàn trong lúc vận chuyển nếu không hóa chất sẽ phun ra. Sau đó, làm theo 4 bước thao tác sau

Bước 1: Đặt bình cứu hỏa xuống đất, dùng ngón tay rút chốt an toàn

Bước 2: Xác định rõ vật đang cháy, đứng cách đám cháy một khoảng từ 1,5 – 2 mét.

Bước 3: Tay nghịch giữ lấy thân bình chữa lửa, hướng bình xịt về phía đám cháy. Tay thuận bóp chặt van bình để phun CO2 vào đám cháy.

Bước 4: Vòi hướng thẳng bình xịt về phía đám cháy.

Lưu ý:

  • Chữa cháy theo hướng quay lưng lại lối thoát.
  • Trong quá trình chữa cháy, tuyệt đối không dùng tay cầm trực tiếp phần vòi xịt, không phun CO2 vào người vì CO2 rất lạnh, có thê gây bỏng.
  • Bình chữa cháy phải được đặt ở những nơi râm mát và dễ lấy thuận tiện khi sử dụng
  • Ba tháng kiểm tra lượng khí trong bình 1 lần bằng cách cân cả bình, lấy tổng khối lượng trừ đi khối lượng bình. Nếu lượng CO2 ít hơn lượng ban đầu thì bình đã rò rỉ, cần khắc phục nhanh.
  • Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng nếu thấy các bộ phận bình hỏng hóc: loa phun, vòi phun, van, khóa…

Trên thị trường hiện nay, bình chữa lửa gia đình phổ biến là loại bình CO2 và bình bột. Hai loại này đều có thể chữa được lửa do điện, xăng dầu, gas. Tuy nhiên, bình CO2 được nhiều gia đình chọn mua hơn vì có ưu điểm là sau khi sử dụng, khí bay hết không không làm ảnh hưởng đến những trang thiết bị, linh kiện điện, điện tử, vi tính. Trong khi đó, nếu sử dụng bình bột, những trang thiết bị dính bột phải làm vệ sinh hoặc phải bỏ đi.

Ngược lại, bình bột có những ưu điểm mà bình CO2 không có: cách dập gốc lửa được là 3 mét (bình CO2 có khoảng cách là 1,5 mét), không bị không khí làm loãng nồng độ như bình CO2.